Sơ kết mô hình "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng 1 phải 5 giảm" thực hiện tại xã Tân Điền vụ lúa Đông Xuân 2023-2024

Đăng bởi Hồ Thị Lan Anh | 19/02/2024 | 0 bình luận

Sáng 19-2, tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Đông tổ chức Hội nghị sơ kết Mô hình trình diễn “Sản xuất lúa 1 phải 5 giảm theo hướng hữu cơ” năm 2023.

 Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang…

Theo đó, mô hình được thực hiện tại các ấp: Bắc 1, Bắc 2, Nam của xã Tân Điền trên diện tích 120 ha, với 88 hộ tham gia. Tham gia mô hình, nông dân sẽ được hỗ trợ 50 kg lúa giống/ha, 500 kg phân hữu cơ vi sinh/ha. Đồng thời, được tập huấn kỹ thuật canh tác theo quy trình; khuyến cáo áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả.

Về hiệu quả kinh tế, nông dân tham gia mô hình đều sử dụng giống lúa chất lượng cao, xác nhận 1; giảm 50 kg giống so với ngoài mô hình.

Việc sử dụng phân hữu cơ bón lót trước khi gieo sạ nên bà con mạnh dạn giảm lượng phân bón hóa học, chủ yếu là phân đạm (giảm 30% phân đạm). Đồng thời, quản lý nước có hiệu quả trong mùa khô nhờ thực hiện tưới nước theo phương pháp ngập khô xen kẽ; giảm thất thoát sau thu hoạch.

Hầu hết diện tích tham gia mô hình đều rất ít phun xịt thuốc trừ sâu, giảm khoảng 1 - 2 lần phun thuốc so với ngoài mô hình. Khi tham gia mô hình, nông dân tuân thủ quy trình giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Ước năng suất của mô hình trung bình đạt 7,5 tấn/ha. Với giá lúa tươi bình quân khoảng 10.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận khoảng hơn 52 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 8 triệu đồng…Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc triển khai mô hình còn mang lại hiệu quả về xã hội và môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm số lượng giống gieo sạ. Đến thời điểm này là cơ hội rất tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa.

Đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu chính quyền địa phương và nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Việc làm kinh tế nông nghiệp phải có nhiều mô hình kết hợp từ trồng trọt, chăn nuôi đến phát triển du lịch.

Chính quyền địa phương từ huyện đến xã nghiên cứu giải quyết các kiến nghị, khó khăn trong việc triển khai mô hình. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả mang lại để những hộ dân chưa tham gia mô hình tự nguyện tham gia. Nơi nào đủ điều kiện chín mùi thì chính quyền địa phương phải hỗ trợ thành lập hợp tác xã để tập hợp nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp… 

 

Bình luận của bạn