GẠO " VD20'' TỪ LÚA VÀNG

Đăng bởi Hồ Thị Lan Anh | 14/10/2020 | 0 bình luận

Được mệnh danh là “Tấm thảm lúa vàng” của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có nhiều vùng đất trồng lúa chất lượng cao, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh. Giống lúa VD20 là giống lúa thơm ngắn ngày đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn du nhập từ Đài Loan và chuyển về khảo nghiệm tại Tiền Giang vào năm 1996, nhưng hiện nay vùng đất phía Đông của tỉnh Tiền Giang là khu vực nổi tiếng trong việc sản xuất gạo VD20 và là một trong những giống gạo thượng hạng được ưa chuộng nhất tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.

Gạo VD20 Gò Công có đặc tính hạt nhỏ, ngắn, sữa, hương vị tự nhiên, khi nấu lên có vị đậm đà, dẻo, dai cơm, vẫn ngon và giữ được mùi thơm sau khi để nguội.Gạo được sản xuất dựa trên giống lúa nguyên chủngđược lai tạo kỹ thuật cao bằng phương pháp chọn đầu dòng và so sánh các dòng triển vọng, giống đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2004 theo quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004. Giống lúa VD20 có thời gian sinh trưởng từ 100-115 ngày, có thể trồng nhiều vụ trong năm, khả năng kháng sâu bệnh rất tốt.Năng suất đạt từ 3 đến 4 tấn/ha ở vụ Hè thu và 4 đến 5 tấn/ha vụ Đông Xuân.

Do có vị trí địa lý nằm gần cửa biển hình thành nên vùng thổ nhưỡng với nhiều khoáng chất cho cây trồng, đặc biệt giống lúa VD20 được phát triển ưu thế trên vùng đất ngập mặn, giàu phù sa nên được nhiều nông dân ưa chuộng và đưa vào sản xuất trên diện rộng. Theo kết quả nghiên cứu trên 172 giống lúa đang được sản xuất và khảo nghiệm ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Qua thanh lọc mặn ở giai đoạn nảy mầm với nồng độ muối 1,5% NaCl và thanh lọc trong điều kiện mặn ở giai đoạn mạ ở mức EC (Electrical Conductivity)= 12dS.m-1cho phép chọn lọc được 43 giống trong đó có giống lúa VD20. Đây được xem là giống lúa có khả năng chống chịu khá tốt trong điều kiện ven biển nhiễm mặn.

Về phương pháp sản xuất, lúa VD20 được nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn,chọn lọc từ các cánh đồng có quy trình canh tác theo hướng hữu cơ bền vững trên vùng đất Gò Công,  an toàn với quy trình canh tác lúa truyền thống không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tạo nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất các dòng sản phẩm gạo an toàn. Doanh nghiệp và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất tập trung theo loại hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ sản xuất lớn, thành hợp tác xã cùng với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. 

 

 

Bình luận của bạn